Áo gió, áo thun, may mặc tận dụng lợi thế FTA
Doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang tìm các nguồn nguyên liệu từ Nhật và ASEAN để tận dụng các hiệp định thương mại tự do, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại Triển lãm sản phẩm dệt may Ấn Độ hôm 29-9 tại TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch VITAS, kiêm Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), cho biết kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Mỹ, châu Âu, và đặc biệt là Nhật Bản đang gia tăng.
Doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang tìm các nguồn nguyên liệu từ Nhật và ASEAN để tận dụng các hiệp định thương mại tự do, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại Triển lãm sản phẩm dệt may Ấn Độ hôm 29-9 tại TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch VITAS, kiêm Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), cho biết kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang Mỹ, châu Âu, và đặc biệt là Nhật Bản đang gia tăng.
Theo ông Hồng, sau khi có hiệp định thương mại Việt – Nhật, doanh nghiệp may mặc dồn mạnh đơn hàng qua Nhật vì được hưởng thuế suất 0%.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang lùng tìm các nguồn nguyên liệu từ Nhật và ASEAN để hưởng ưu đãi thuế suất. Công ty may Sài Gòn 3 vừa cử một đoàn cán bộ qua Indonesia tìm nguyên liệu và thấy nguyên liệu ở đây tốt. Nguyên liệu từ Thái Lan cũng đáp ứng tốt”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết thêm, hiện giá nguyên liệu may mặc nhập vào Việt Nam tăng theo thị trường thế giới, trung bình 5-15% tùy từng loại. Tuy nhiên, việc này, theo ông, ảnh hưởng không lớn đến doanh nghiệp may mặc.
“Hiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm gia công cho nhãn hiệu nước ngoài nên không ảnh hưởng gì. Ngoài ra, khách hàng cũng hiểu tình hình nguyên vật liệu và công nhân hiện nay, nên đồng ý chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo ông Hồng, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp may mặc Việt Nam hiện rất tốt, đặc biệt là lượng đơn hàng từ Trung Quốc chuyển qua. Lo ngại hiện nay của doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là vấn đề thiếu lao động và tình hình giá điện, giá dầu và cước vận chuyển tăng giá.
Theo VITAS, kim ngạch xuất khẩu may mặc trong 8 tháng đầu năm 2010 đạt 6,89 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may cũng tăng cao trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, vải nhập khẩu các loại tăng 26,6% so với cùng kỳ, đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ; bông đạt 418 triệu đô la Mỹ, tăng 32% về lượng và 82% về giá trị; sợi đạt gần 700 triệu đô la Mỹ, tăng 12% về lượng và 42% về giá trị.